Video người đàn ông Nga đập iPad sau khi Apple ngừng bán toàn bộ sản phẩm tại nước này đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem trên Internet.
Đoạn video do phóng viên Francis Scarr của BBC đăng lên Twitter cho thấy người đàn ông Nga một tay cầm búa, tay còn lại cầm chiếc iPad của Apple.
Sau khi đặt iPad xuống sàn nhà, người này dùng búa đập liên tục vào màn hình thiết bị. Tiếp theo, ông lật mặt sau và tiếp tục đập trước khi đưa búa cho cậu bé kế bên làm điều tương tự.
“Đó là phản ứng từ chúng tôi về lệnh trừng phạt của bạn. Chúng tôi không cần những thứ hiện đại nhỏ nhặt của bạn, có thể sống sót mà không cần chúng. Đây này con trai, đập nó đi”, người đàn ông nói bằng tiếng Nga trong video.
Theo Scarr, người đàn ông trong video đập chiếc iPad do “thất vọng” với quyết định ngừng bán sản phẩm của Apple tại Nga, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào đất nước này.
Sau chưa đến một ngày, video đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, Newsweek cho biết.
Trước đó vào 1/3, Apple cho biết đã ngừng bán iPhone và những sản phẩm khác trên website tại Nga. Hãng cũng ngừng xuất khẩu sản phẩm sang các kênh bán lẻ của Nga. Dịch vụ thanh toán Apple Pay tại nước này cũng bị giới hạn. Trong khi đó, ứng dụng tin tức RT News và Suptnik News bị xóa khỏi những App Store ngoài nước Nga.
“Chúng tôi rất lo ngại về cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, luôn sát cánh cùng những người phải gánh chịu hậu quả… Chúng tôi đang hỗ trợ nhân đạo, viện trợ khủng hoảng tị nạn đang diễn ra và làm mọi thứ để hỗ trợ đội ngũ của chúng tôi tại khu vực”, đại diện Apple cho biết.
Theo dữ liệu của IDC, Apple là hãng smartphone lớn thứ 3 tại Nga trong quý III/2021 với thị phần 15%, xếp sau Samsung và Xiaomi. Ngoài Apple, Dell cũng tạm ngừng bán các sản phẩm tại Nga từ 1/3. Công ty cho biết đang theo dõi tình hình, đồng thời đưa ra kế hoạch hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng từ cuộc tấn công.
Sau khi Ukraine bị tấn công, các hãng công nghệ lớn chịu áp lực về cắt giảm dịch vụ, hoạt động tại Nga. Facebook đã cấm các cơ quan truyền thông Nga chạy quảng cáo hoặc kiếm tiền trên nền tảng, tiếp tục gắn nhãn các nội dung có nguồn gốc từ một số trang tin của Nga.
Tại Ukraine, YouTube đã hạn chế quyền truy cập kênh của hãng thông tấn RT tại Ukraine, trong khi tính năng xem trực tiếp tình hình giao thông trên Google Maps cũng bị vô hiệu hóa.